Nhật Bản Today - Kiềm chế bản thân, tế nhị, khiêm nhường và nhã nhặn...là những đức tính mà xưa nay người Nhật vẫn tôn trọng . Nói chung, việc bộc lộ thẳng tình cảm ra được coi là ấu trĩ, không phù hợp với cách ứng xử của người lớn và không được coi là thanh nhã lắm . Đặc biệt, người Nhật không thể hiện tình yêu trước mặt người khác.
Cách thể hiện bản thân
* Người ta cho rằng khó có thể dò xét được tình cảm và suy nghĩ của người Nhật bởi cách cư xử kín đáo, ít bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài của họ . Nhưng khi đã quen, bạn sẽ thấu hiểu được những tình cảm với sự khác nhau rất tinh tế chứa đựng trong từng cử chỉ giao thiệp .
* Người Nhật thường kiềm chế bản thân, họ không dễ dàng sung sướng khi nhận được những lời khen ngợi . Nhiều người khi được khen cũng không thể hiện niềm vui mà ngượng ngịu trả lời “đâu có được như thế” hay tỏ vẻ bối rối “đừng đùa như vậy nữa”.
* Về tính khiêm nhường, có thể ví dụ như khi tặng quà, người Nhật thường nói “..chỉ là chút quà mọn của tôi..” . Người nước ngoài nghe được câu này thường rất ngạc nhiên . Thực ra, đó là cách diễn đạt tế nhị dù quà tặng luôn được chọn hết sức cẩn thận . Đó là sự nhã nhặn, khiêm tốn thật sự đúng cách của người Nhật .
* Tuy nhiên, có sự khác biệt trong suy nghĩ giữa các thế hệ, ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng nên bộc lộ tình cảm của mình . Chính vì vậy nên ngày nay có thể nhìn thấy nhiều đôi thanh niên Nhật nắm tay hay khoát vai nhau trên đường phố.
Kính ngữ
* Trong tiếng Nhật, kính ngữ được sử dụng rất đa dạng và phức tạp . Kính ngữ trong tiếng Nhật có ba lối nói : Lối nói lễ phép, lối nói kính trọng và lối nói khiêm nhường tự nhún mình để thể hiện sự tôn trọng .
* Chương trình giáo dục bắt buộc ở tiểu học và trung học có đưa vào nội dung giảng dạy quốc ngữ một số tiết học về kính ngữ nên thanh thiếu niên có sự hiểu biết nhất định, tuy nhiên, chưa phải họ đã sử dụng được thành thục kính ngữ trong đời sống hàng ngày . Nhiều người lớn tuổi phàn nàn về thế hệ trẻ ngày nay sử dụng kính ngữ lung tung .
* Thực tế, kính ngữ trong tiếng Nhật rất phức tạp . Chẳng hạn, khi nói với cấp trên của mình ở công ty thì dùng lối nói kính trọng, nhưng khi nói với người ngoài công ty về người ấy thì phải dùng cách nói khiêm nhường .
* Nếu không biết dùng kính ngữ phù hợp với đối tượng mình giao tiếp thì sẽ bị coi là thiếu giáo dục. Không hiểu biết lễ nghi, vì vậy có thê nói rằng kính ngữ là một kiến thức cơ bản không thể thiếu được đối với người Nhật .
* Có những công ty đưa việc sử dụng kính ngữ cùng với cách ứng xử qua điện thoại, cách giao tiếp với khách vào trong chương trình giáo dục, đào tạo nhân viên mới .
Chào hỏi đúng quy cách
Cách chào cơ bản nhất là 2 người đứng cách nhau một khoảng cách nhất định, cúi thấp đầu xuống bằng cách uốn gập phần trên của cơ thể. Góc độ cúi thấp đầu phụ thuộc vào hoàn cảnh và mối quan hệ trên dưới với người đối diện. Đối với phụ nữ thì nếu tay không cầm gì thì 2 tay chụm vào nhau ở vị trí phía trước cơ thể và cúi đầu chào. Nếu đang ngồi trên ghế thì thường người Nhật đứng dậy và cúi người chào, nếu như nền nhà có trải nệm ngồi thì họ quỳ xuống, 2 bàn tay chạm nhẹ xuống đất và cúi gập người để chào hỏi. Cũng giống như người phương Tây khi bắt tay, người Nhật vừa cúi đầu chào nhau vừa trao đổi những câu chào hỏi xã giao.
Người Nhật có bắt tay không?
Tập tục bắt tay được truyền đến Nhật từ phương Tây. Vào thời điểm đó thì việc bắt tay với người nước ngoài là không hề đơn giản chút nào bởi vì họ quen với phong cách trào hỏi có tôn ti trật tự trên dưới tùy vào từng tầng lớp trong xã hội. Thêm vào đó, trong xã hội phong kiến Nhật Bản thì người ta cấm nam nữ ngồi chung bàn hay trao đổi những câu nói thân mật xuồng xã, vì vậy việc bắt tay là khó có thể chấp nhận được. Chính vì vậy mà đương nhiên trong thời kỳ đó việc bắt tay với phụ nữ như là một cách chào hỏi không được chấp nhận. Hiện nay thì những thương nhân Nhật Bản có dịp gặp gỡ thường xuyên với người phương Tây và họ bắt tay chào hỏi một cách rất thân mật. Tuy nhiên trong cuộc sống thường ngày thì người Nhật không hay bắt tay mấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét